Phẫu Thuật Tiết Niệu

Điều trị hiệu quả các rối loạn của đường tiết niệu và cơ quan sinh dục nam

Hiển thị các bài đăng có nhãn tán sỏi thận qua da. Hiển thị tất cả bài đăng

24/5/16

ĐIỀU TRỊ SẠCH SỎI, KHÔNG LÀM TỔN THƯƠNG THẬN

Không có nhận xét nào :
Đối với người bệnh bị sỏi thận, việc điều trị sạch sỏi đã là một thành công lớn. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của điều trị sớm và nhận biết đâu là phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao, an toàn, ít tổn thương đến thận.
Sỏi thận được tạo thành bởi sự lắng đọng các tinh thể từ các chất vôi như Canxi, Magie gắn kết với các gốc Phosphat, Oxalat, Urat … Do đó sỏi trở nên khá chắc chắn, và khó có thể bị phá hủy. Nếu không được điều trị, sỏi có thể gây nhiều tổn thương cho thận.

Hình: Sỏi thận và sỏi niệu quản

Các phương pháp điều trị sỏi thận

Điều trị nội khoa: điều trị nội khoa sỏi thận bằng thuốc uống để làm tan sỏi chỉ có hiệu quả và được dùng cho một số ít loại sỏi như sỏi axit uric. Các loại sỏi còn lại hầu như không có chứng cứ cho thấy loại thuốc nào có thể làm tan sỏi.
Khi nào thì điều trị sỏi thận bằng phương pháp nội khoa ? Với sỏi thận < 5mm, bạn không cần phải điều trị gì cả. Điều cần làm là bạn nên uống nhiều nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Khi sỏi di chuyển từ thận xuống ống niệu quản, bạn có thể bị đau thắt vùng hông lưng, có thể kèm nôn ói và tiểu máu. Cơn đau thường kéo dài trong vài giờ và bác sĩ sẽ phải dùng thuốc để giúp bạn mau chóng giảm đau. Hầu hết sỏi niệu quản kích thước < 5mm đều có thể tự thoát ra ngoài với các biện pháp điều trị tống xuất sỏi. Sau khoảng từ 2 đến 4 tuần uống thuốc, 70% các trường hợp sỏi có thể ra ngoài qua đường tiểu.
Điều trị ngoại khoa: khi sỏi có triệu chứng và hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận. Trong thực tế những sỏi lớn lên theo thời gian hoặc gây thận ứ nước cần phải điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa điều trị sỏi, tùy thuộc vào đặc tính của sỏi, cơ địa bệnh nhân và các biến chứng do sỏi gây ra. Các phương pháp điều trị này bao gồm: Tán sỏi ngoài cơ thể, Tán sỏi thận nội soi qua da, Mổ nội soi lấy sỏi, Tán sỏi nội soi bằng Laser, Mổ mở lấy sỏi ...

Tán sỏi ngoài cơ thể

Bác sĩ sẽ dùng một máy phát xung chấn động từ bên ngoài da hướng vào vị trí của sỏi trong thận. Sóng xung động tập trung sẽ làm cho sỏi bị vỡ nhỏ và theo nước tiểu đi ra ngoài cơ thể. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được dùng chủ yếu cho các sỏi thận có kích thước dưới 2cm hoặc sỏi nằm ở đoạn trên của niệu quản.
Ưu điểm của phương pháp này là không đau, không tổn thương thận, không cần nằm viện, tỷ lệ sạch sỏi lên tới >80%. Nhược điểm: phụ thuộc chất lượng của máy tán sỏi và tay nghề của Bác sĩ.

Tán sỏi nội soi bằng Laser

thực chất của phương pháp này là tán sỏi nội soi, dụng cụ nội soi kèm theo đầu phát tia Laser được đưa vào niệu quản thông qua đường tiểu, tiếp cận sỏi và sử dụng năng lượng Laser để phá hủy sỏi thành nhiều mảnh và gắp ra ngoài.
Ưu điểm của phương pháp này là không đau, ít tổn thương, xuất viện trong vòng 24 giờ, không có vết mổ, hiệu quả sạch sỏi cao > 90%. Nhược điểm: có thể gặp một vài biến chứng như nhiễm trùng đường tiểu, tiểu máu, đau hông lưng.

Tán sỏi thận nội soi qua da

Bác sĩ chọc 1 kim từ ngoài da vào thận dưới hướng dẫn siêu âm hoặc Xquang. Theo đường chọc dò này, bác sĩ dùng một bộ dụng cụ để nong rộng ra tạo đường hầm vào thận và dùng một ống soi thận nhỏ quan sát, tán sỏi và lấy ra ngoài cơ thể. Phương pháp này thường được sử dụng cho những bệnh nhân có sỏi thận lớn, sỏi thận phức tạp.
Ưu điểm: tổn thương thận tối thiểu, đau vết mổ ít và tỉ lệ sạch sỏi cao. Nhược điểm: có thể gặp biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn, chảy máu, tụ dịch quanh thận, tổn thương các cơ quan lân cận…

Mổ nội soi lấy sỏi thận

Bác sĩ phẫu thuật đưa dụng cụ nội soi vào trong cơ thể thông 3 lỗ nhỏ trên hông lưng của bệnh nhân để lấy sỏi. Phương pháp này thường dùng khi sỏi bể thận ngoài xoang, sỏi lớn ở niệu quản.
Ưu điểm là tỷ lệ sạch sỏi cao > 95%, ít tổn thương. Nhược điểm là bệnh nhân phải nằm viện 1 -2 ngày, có thể gặp một số các biến chứng như đau vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, chảy máu vết mổ, đi tiểu có máu, rò rỉ nước tiểu qua vết mổ.

Mổ mở lấy sỏi

phương pháp này hiện nay ít dùng do vết mổ dài, đau vết mổ, thời gian hồi phục kéo dài, áp dụng cho trường hợp sỏi thận phức tạp hoặc thất bại với các phương pháp điều trị khác.